Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Dran xưa : Chuyện nhớ đâu kể đó (tt)

MÌNH GHÉ QUA SÒNG TÀI XỈU MỘT CHÚT

Tài xỉu à? Tưởng gì chứ tài xỉu thì biết rồi. Cách đây năm bảy năm gì đó,cứ mỗi dịp Tết đến lại thấy mấy bàn tài xỉu bày ra ở khu Chợ cũ chứ gì. Đúng. Đúng nhưng chưa đủ. Đó chỉ là loại tài xỉu đã được rút gọn đến mức tối giãn. Còn “nguyên bản” của nó thì phức tạp hơn nhiều. Khác với các loại hình đánh bạc khác , cứ ngồi bệt xuống đất,trãi chiếu ra là chơi dược, tài xỉu được tổ chức bài bản hơn . Trên một chiếc bàn rộng chừng 1.5m dài hơn 3m người ta phủ lên một tấm bạc có vẽ sẵn những ô cờ. Cách chơi rất đa dạng. Trong một cái hộp giống như cái ống đựng tăm xĩa răng bằng thủy tinh cao độ hai tấc có đế bằng gỗ, bên ngoài có nắp dậy kín. Bên trong có 3 hột xúc xắc ( hột xí ngầu ). Người chơi chọn cách mà mình thích. Đặt tài/xỉu thì một trúng một. Từ 3 diểm đến 10 điểm là xỉu. Từ 11 điểm đến 18 điểm là tài. Đặt số thì một trúng mười. Có từ số 3 đến số 18. Đặt số kép thì một trúng 25
Còn đặt bảo ( ba mặt giống nhau ) thì một trúng năm mươi. Người chơi đứng ba phía bàn còn một phía dành cho nhà cái. Người lắc hộp xí ngầu bao giờ cũng là mọt cô gái người Hoa. Trước khi mở nắp, cô luôn bắt đầu bằng mấy tiếng : “ Hối tắc! Hối tắc a!” ( Ý là: Mở đây! Mở đây nè ! )tiếp theo cô xướng lên một câu dài ngoằng, mình nghe véo von nhưng chẳng hiểu gì cả. Cuối câu, lúc nào cô cũng chốt lại : Tài a! hoặc Xỉu a! Ngồi hai bên cô là hai anh chàng hồ lỳ,cũng người Tàu, hai tay khong ngừng vuốt những tờ giấy bạc cho thật phẳng phiu rồi gấp làm tư, sau đó xếp vào một chiếc khay nhôm có nhiều ô theo từng mệnh giá. Mỗi khi kết thúc một ván chơi, hồ lỳ dùng chiếc cào nhỏ bằng gỗ để cào tiền vào hộc bàn hoặc đẫy tiền ra chung cho người trúng. Bạn thấy chưa, cũng khá phức tạp phải không? Và điều cần biết là môn này chỉ có người Tàu mới tổ chức được.

ĐÁNH SỐ ĐỀ

Chơi số đề không phải là chạy ra quẩy vé số hoặc tìm mấy người bán vé số dạo để ghi phơi, và lại càng không phải có tới 100 số dựa theo vé số kiến thiết như hiện nay. Trò chơi này chính gốc của nó chỉ có 40 số, mỗi số có một biểu tượng riêng. Không phải mua lúc nào và mua ở đâu cũng được. Buổi sáng, khoảng 7 giờ, trong một khoảng sân rộng có trồng một cây trụ cũng có dây kéo như trụ cờ, nhưng thay vì lá cờ thì người ta cột vào đó một chiếc hộp nhôm dài độ bốn tấc, bên trong có cài một vuông vải trắng ghi sẵn số và biểu tượng của con đề sẽ xổ trong ngày hôm nay. Đồng thời,người ta cũng đưa ra một câu thai đề. Thai đề thường là bốn câu lục bát bí hiểm. Bí hiểm ở chỗ là nó rất đơn giãn, đoán sao nghe cũng có lý, cũng xuôi tai. Sau đó người ta mới bắt đầu ghi phơi đề.
Buổi chiều, tầm 4 giờ, người chơi tụ tập tại sân đề để chờ khui kết quả. Ai nấy đều chăm chăm theo dõi nhứt cử nhứt động của anh chàng người Hoa. Anh ta thong thả kéo chiếc hộp xuống, tra chìa vào chiếc ổ khóa nhỏ xíu để mở nắp hộp ra. Người chơi nín thở, hồi hộp chờ đợi. Chỉ khi chiếc hộp dược kéo lên đến đỉnh cột trở lại, và vuông vải trắng trãi rộng ra phất phơ trước gió ngưới ta mới đọc dược kết quả. Kẻ khóc người cười. Một người vui, ba mươi chín người buồn khổ. Thế đấy, cờ bạc mà. Đâu có dễ gì ăn của ngoại.

MỘT, HAI, BA MÌNH ĐI XI LA MA


Đi xi la ma là nói đùa cho vui, phải nói cho đúng là đi xi-nê-ma ( cinéma – chiếu bóng ). A, cái này còn phải xét lại đó nghen. Đã nói Dran Xưa chẳng có điện đóm gì sao lại có xi-nê-ma? Thế mà có thật dấy các bạn ạ. Rạp thì các bạn biết rồi , ban ngày là chợ, đêm biến thành rạp. Còn điện thì người ta dùng máy nỗ, không phải cái máy nỗ nhỏ xíu gọngàng như bây giờ mà là một chiếc máy to kềnh càng gần bằng con nghé chứ chẳng chơi. Phim thì toàn là phim cao-bồi, phim người rừng Tarzan cứ chiếu đi chiếu lại… Ở một nơi quê mùa hẻo lánh chẳng có gì giải trí nên thoạt đầu người ta đi xem cũng đông, nhất là bọn trẻ chúng tôi thì mê tít. Thấy tưởng ngon ăn, ông Rô-dân-tan (Rosenthal ) một người Pháp lai đã cho làm một cái rạp hát bằng gỗ ngay trên mảnh đất đã từng là pháp trường ( đài liệt sĩ). Rạp làm xong bỏ đó chẳng ma nào thuê, chẳng đoàn hát nào dám diễn ở một nơi mà không ai muón bước đến.
Sau đó, một rạp chiếu bóng khác,cũng bằng gỗ, được cất lên trên mảnh đất của bà Xu Huy, tức nhà ông Hậu bây giờ. Có điều, cái món xi nê chỉ lôi cuón được bọn trẻ con, còn người lớn lại chuộng cải lương hơn nên chẳng bao lâu cái rạp hát này biến thành một đề pô lê ghim ( dépôt de légumes – Vựa rau,củ,quả ).
Thế là hết xi-nê-ma.


MỘT TRẬN CẦU KHÔNG CÂN SỨC


Là một nam tử hán,đại trượng phu đứa nào mà chẳng mê đá bóng. Tôi đoán rằng, nếu bạn không phải là fan của Arsenal thì cũng là người hâm mộ của Barca hay Manchester United hoặc một đội bóng nào đó. Nếu bạn không thích một C. Ronaldo kiêu ngạo thì cũng mến mộ một Lionel Messi tài hoa hoặc Kaka khéo léo. Và bạn đã chọn một đội bóng yêu thích làm “ Đội mình”. Bạn theo dõi từng đường đi nước bước của “ Đội mình”. Bạn vui nở ruột nở gan khi “ Đội mình” thắng, bạn ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước khi “ Đội mình” thua. Đó là những cảm xúc tự nhiên. Nhưng, những cảm xúc ấy sẽ tăng lên bội phần, dữ dội hơn, căng thẳng hơn khi chính bạn là người trong cuộc. Chính bạn mang chiếc áo CLB.BĐ Danhim. Dù chỉ là một trận cầu giao hữu nhưng tim bạn suýt nhảy ra khỏi lồng ngực khi đội nhà sém cháy lưới. Bạn sẽ nhảy cẫng lên như thằng điên khi đồng đội chọc thủng lưới đối phương. Tôi cũng vậy. Tôi cũng yêu bóng đá, yêu cuồng nhiệt. Cái “ Ecole de Dran” cũng có một đội bóng tí hon. Toàn một lủ trẻ con chia phe đá với nhau chứ chưa bao giờ thi đấu với ai. Thế mà, đùng một phát, chúng tôi đi tranh giải. Một giải bóng đá chính thức để chào mừng ngày lễ Quốc khánh 14.07 ( của Pháp ) đấy nhé!

Tôi chẳng hiểu Ban Tổ Chức gồm những ai, chuyên môn như thế nào nhưng chắc chắn là trình độ của họ hơn FIFA nhiều lắm lắm. Điều này tôi căn cứ vào lịch thi đấu mà nhận xét. Chẳng biết họ chia cái thế quái nào mà đội bóng bé tí teo của chúng tôi phải đấu loại trực tiếp với trường Grân-Lítxê Iêcxanh ( Grand Lycée Yersin ). Ờ, để tôi kể thêm cho các bạn nghe nhé. Lycée Yersin là một ngôi trường THPT Pháp, danh giá bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ. Về mặt kiến trúc thì nó cùng với ga Dalat được xếp vào hàng đầu Đông Nam Á. ( Vậy mà Dran xưa cũng có mấy người được theo học ở đó như : Lâm Văn Thanh, Mai Văn Thịnh, Nguyễn Hữu Tranh, Cao Lan. Ở Petit Lycée thì có Lâm Thái Song. Trong số này chỉ có N.H.Tranh là học đến nơi đến chốn). Trở lại với đội bóng trường làng của chúng tôi. Một lủ nhóc quanh năm đá bưởi khô nhiều hơn đá bóng, được trang bị áo may-ô ( maillot ) trắng, quần đen chẳng có số má gì lên tận Dalat thi đấu. Bạn thử hình dung xem, học trò tiểu học chơi tay đôi với bọn trung học mà phần đông là Tây con thì sẽ thế nào? Kết quả ư? Cái bọn trông to thế mà đá quá tệ, tụi nó chỉ ghi được có 9 bàn mà thôi. Còn bọn tôi thì sao? Thua 0-9 mà mặt mày đứa nào đứa nấy cứ tươi roi rói, cười nói ồn ào như chưa có gì xảy ra. Mà thực ra là bọn tôi thắng đậm. Thì các bạn nghĩ coi :
- Làm sao một bọn trẻ nhà quê lại được ngồi ô tô rong chơi tận thành phố?
- Làm sao mà có dịp được ăn phở và cơm gà phủ phê suốt ngày như thế?
- Làm sao mà có thể tham quan thắng cảnh Dalat mà không tốn một xu nào?
Như vậy là thắng đậm chứ có thua đâu, Và khi xe về đến đầu dốc chùa, tất cả cùng hét vang: Nớp – Dêrô! Nớp – Dêrô! ( Noeuf – Zéro 9-0 ). Gần như cả làng đều xách đèn đuốc ra đón “ đoàn quân chinh chiến” trở về và ai cũng đinh ninh “ Đội mình “ thắng lớn. Hóa ra là thua. Ồ, có sao đâu, đó chỉ là một trận cầu không cân sức thôi mà.

LamNguyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét