Trưa hè oi bức kinh người. Cái nóng khô làm cho ai nấy cũng đều cảm thấy mệt mõi. Chè chã buồn ăn, cà phê không muốn uống. Thôi thì, bạn hãy cùng tôi ăn vài chén đậu hủ. ĐẬU HỦ BÀ THẢO ai mà không biết. Quanh năm suốt tháng, gánh đậu hủ theo bà di khắp đầu làng cuối xóm. Cứ nhìn cái dáng đi xiêu vẹo của bà cùng đôi quang gánh trên vai ta mới cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn vất vả của bà mẹ quê. Bạn xem, khéo chưa, đậu hủ đã múc vào chén mà không hề bị vỡ vụn. Có người thích ăn đậu hủ với đường cát, nó có vị ngọt thanh, nhưng tôi vẫn thích ăn với đường tán nấu hơi keo cùng với gừng giã nhuyển, nó có cái ngọt đậm cùng mùi thơm cay của gừng. Đố bạn tìm được món ăn nào vừa ngon, vừa rẻ lại giàu dinh dưỡng như đậu không? Ăn thêm chén nữa nhé!
Có tiền mà để làm chi
Không mua kẹo kéo Bắc Kỳ mà ăn
Kẹ…o.o.o…kéo! Cứ nghe tiếng rao với cái giọng “ Bắc Kỳ rặt “ quen thuộc ấy là bọn trẻ con sáng mắt ra ngay. Chính xác hơn đồng hồ. Cứ tầm trước giờ học và đầu giờ chơi là ông “ KẸO KÉO BẮC KỲ “ ngự trị ngay trước cổng trường. Bọn học trò xúm đen xúm đỏ vây quanh. Gọi là ông nhưng thực ra đây chỉ là một anh chàng trạc chừng ba mươi, gầy nhom, bà ba nâu bạc phếch, mũ nan tre lợp cói. Miệng liếng thoắng, rất tự hào về cái nhãn hiệu Bắc Kỳ của mình. Trên cái đèo hàng của chiếc xe đạp cà tàng không thể cũ hơn là chiếc khay gỗ chứa khối kẹo trắng muốt được bọc bên ngoài một lớp vải ta. Kế bên là chiếc bàn quay nhỏ được đánh số từ 1 đến 10, cũng tô xanh, đỏ, tím, vàng, sặc sỡ chẳng thua gì Chiếc Nón Kỳ Diệu. Mua: một đồng hai cây. Anh ta chỉ việc tóm lấy đầu khối kẹo như cuống trái bầu, kéo ra một đoạn bằng ngón tay trỏ rồi bẻ cái cụp: một cây; cụp: hai cây. Con gái thường mua, còn bọn con trai khoái quay, trúng số nào cũng được. Có vớ được độc đắc số 10 thì chủ nhân cũng vui vẻ cười khì. Dưới đôi tay ma thuật của anh ta thì 10 hay 1 cũng chẳng hơn kém nhau là mấy. Cũng bằng ấy kẹo anh ta kéo dài ra như sợi dây. Không hề chi. Chẳng đứa nào so đo ít nhiều, hơn thiệt gì cả. Vui là chính mà.
Biết kể sao cho hết, nào kẹo ú một đồng mười viên vừa ngọt vừa cay, nào me ngào đường đựng trong lá chuối làm cho bọn con gái chết mê chết mệt…
Tôi muốn gom góp tất cả những món quà dung dị, tôi muốn trộn tất cả các vị mặn, ngọt, chua, cay để tạo thành một mùi hương quê dành tặng các bạn. Để rồi, cho dù đang ở tận chân trời góc biển nào đó, bạn vẫn cảm nhận được rằng, vẫn còn một chút gì đó để nhớ để thương về một vùng quê yêu dấu.
Dran, tháng sáu 2010
Lamnguyen
Đồng ý với bác Gà. Dù hiện giờ có thể được ăn những món sang hơn, bổ hơn, nhưng những món ăn dung dị thuở nhỏ ở quê của mỗi người lâu lâu ăn lại vẫn thấy đúng là ngon nhất! (đối với em đó là mì Quảng, là bánh tráng đập, là món ốc xào cay thiệt là cay...)
Trả lờiXóa+ NBĐ : Cái món mì Quảng này đi đâu cũng gặp - từ Dran - Dalat - Phan Rang - Sài Gòn - Nha Trang ...
Trả lờiXóaMỗi nơi nấu mỗi kiểu , chưa có dịp đi Quảng nên chưa biết món mì Quảng chính tông thì nó như thế nào.Nhưng có lần về Phan Rang , ăn món mì Quảng sao nó lạ cựckỳ , sợi thì dai nhách vì được nấu từ 1 loại mì khô nào đó chứ không phải sợi tươi như những chỗ khác . Ăn mì Quảng PR thì ...xin thề lần sau không dại mà xuống PR ăn mì Quảng nữa ..hihiiiii
Em rất thích đoạn kết bác Gà ơi, cảm nhận được một tình yêu quê hương tha thiết. Không phải tự nhiên mà người ta gọi là "văn hóa ẩm thực" bác Gà nhỉ.
Trả lờiXóa+ ldtk : Cảm ơn em , ba của anh rất vui khi đọc các comments trong loạt bài này của em - An Mỹ và các bạn .
Trả lờiXóa