Sáng hôm rồi dạo chợ, tình cờ gặp một em hoc sinh cũ . Gặp tôi, em đon đả chào, rồi chẳng cần rào trước đón sau, em vào đề trực khởi luôn : Thầy cho em xin bài thơ . Tôi trố mắt ngạc nhiên, thơ gì ? Tôi làm gì có thơ ? Em tiếp : Dạ, bài thơ hồi thầy dạy cho tụi em đó . Tôi vẫn chưa nghĩ ra, xưa nay tôi có thơ thẩn gì đâu . Giờ thì em nhắc rõ hơn : Dạ, bài thơ hình học “ Muốn tìm diện tích hình vuông “ đó . Em xin về để dạy cho mấy đứa cháu ngoại . Tụi nó học sau quên trước, em nghĩ, nếu có bài thơ đó chắc tụi nó nhớ lâu . À, à… tôi nhớ ra rồi . Tôi cười suýt sặc . Cái mà em gọi là bài thơ, thực chất chỉ là một bài văn có vần có điệu cho dễ nhớ thôi . Chuyện là thế này :
Dạo ấy, cách nay cũng đã năm lăm, năm sáu năm, tôi đang dạy lớp Nhứt ( lớp Năm bây giờ ) . Thấy học sinh cứ loay hoay vất vả với mấy cái quy tắc hình học cứ lúc nhớ lúc quên, tôi bèn soạn ra một bài văn có vần theo thể lục bát để học sinh dễ nhớ . Bài thơ có đoạn đầu nhu sau :
Muốn tìm diện tích hình vuông
Lấy Cạnh nhân Cạnh ra luôn khó gì
Hình vuông muốn có chu vi
Lấy Cạnh nhân 4 tức thì ra ngay
Chu vi sẵn có trong tay
Chia cho 4, có bề dài một bên
Diện tích chữ nhật chớ quên
Lấy Dài nhân Rộng đã nên số thành
Khi nào muốn biết chung quanh
Lấy Dài cộng Rộng số thành nhân 2
Diện tích mà chia cho Dài
Thành ra bề rộng chớ phai ghi lòng
Chu vi một nửa lấy xong
Đem trừ cho Rộng lại trông bề Dài
Bình hành, diện tích khó chi
Bề Nằm sẵn có nhân thì cho Cao
Diện tích tam giác thế nào
Phân nửa tích số của cao nhân Nằm
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Bài viết gói trọn nội dung chương trình hình học lóp Nhứt, từ hình vuông cho đến hình tròn, hình vành khăn/vòng hoa .
Bài viết xong, giờ đến công đoạn nhân bản . Việc này khá vất vả . Giá như có máy photocopy thì chỉ mất chừng mươi phút là xong nhưng đó là chuyện xa vời . Muốn nhân bản phải có máy in Ronéo, gọi là máy chứ thật ra là quay tay và chỉ các công sở mới có . Thế là mình in dã chiến theo sáng tạo .
Trước tiên là phải mua một tờ Stencil rồi đánh máy bài viết lên đó . Để có bản in tốt, phải dùng bàn chải đánh răng lau chùi thật sạch các con chữ trên máy đánh chữ . Tháo băng mực ra ( Không dùng băng mực nên đánh máy mà không nhìn thấy chữ ). Phải gõ phím thật đều tay để các mẫu tự “ o , g “ không bị thủng, nếu thủng bản in sẽ bị lem . Điều này đối với tôi không khó vì tôi đã từng học qua méthode dix doigts ( gõ bàn phím bằng mười ngón ) . Đánh máy xong, dùng nẹp đóng một đầu tờ stencil lên một miếng ván, hoặc trên mặt bàn thật phẳng cũng được . Bây giờ thì bôi mực in thật đều trên tờ stencil . Giỡ tờ stencil lên, kê vào xấp giấy . Dùng một que mềm ( bằng carton hoặc bằng bẹ chuối ) kéo nhẹ dọc theo tờ stencil . Lúc này cần một người phụ nắm hai góc dưới tờ stencil để giỡ lên hạ xuống . Mỗi lần giỡ lên thì rút ra được một ấn bản . Phải bỏ mất bốn, năm tờ đầu vì mực chưa đều, bản in lem luốt . Những tờ sau đó rất tốt.
Tôi đem phân phát cho mỗi học sinh một tờ rồi dặn, giờ toán đầu tuần sẽ kiểm tra . Giờ kiểm bài cũ, thay vì câu hỏi dông dài, học sinh trả lời ấp a ấp úng, thì đả có cuộc vấn đáp như sau :
Hỏi : - Muốn tìm diện tích hình vuông ?
Đáp: - Lấy Cạnh nhân Cạnh ra luôn khó gì !
Hỏi : - Diện tích tam giác thế nào ?
Đáp : - Phân nửa tích số của Cao nhân Nằm .
Hỏi : - Muốn tìm diện tích hình thang ?
Đáp : - Lấy bề Nằm ngắn cộng sang Nằm dài
Cẩn thận đem chia cho 2
Rồi nhân cho Đứng xong bài em ơi !
Giờ học mà như giờ chơi . Tôi đưa tay chỉ bất kỳ, học sinh đua nhau trả lời chính xác và sinh động .
Tôi không ngờ cái “ bài thơ “ cục mịch đó lại có hiệu quả tuyệt vời . Học sinh đứa thì chép vào sổ tay ghi nhớ . Đứa lại đem dán trước bàn học . Có phụ huynh cũng thích thú chép lại chơi . Có vài đồng nghiệp xin để làm tư liệu . Có lần, tôi lên Banméthuot công tác, gặp lại một phụ huynh cũ , sau hai tiếng chào thầy, ông đọc một lèo hai câu đầu của “ bài thơ “ rồi nói, tôi vẫn còn nhớ bài này của thầy dạy cho tụi nhỏ. Có một điều hơi lạ là, không biết do mình vô tình gợi ý hay là trùng hợp ngẫu nhiên mà đầu năm học tiếp theo, cac sách toán ấn bản mới, các tiết hình học đều có phần ghi nhớ bằng văn vần . Và đây là một bài mẫu :
Hình tròn đẹp nhất trong bao hình
Nhìn xem có khác chi là vòng hoa
Chu Vi bằng Kính nhân Pi cùng nhau ghi nhớ
Còn tìm Diện tích em ghi liền
Bình phương Bán kính nhân cùng Pi
Ai ơi doàn kết thương nhau
Cùng hát ca vang, bé càng học hay .
Tất cả tưởng chừng đã chìm trong quên lãng, hôm nay bỗng được khơi gợi lại, bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về . Chuyện chẳng có chi nhưng sao vẫn thấy lòng ấm áp .
(Lamnguyen)
Thầy Nguyên à, sao em thấy nhớ công thức dễ hơn nhớ bài thơ đó !!!
Trả lờiXóaBình hành diện tích khó chi,
Lấy cạnh nhân 4 tức thì ra ngay ...
khà khà :p
Cạnh nhân 4 là chu vi hình vuông ,S bình hành sao mà cạnh nhân 4 được - hehehe.
Trả lờiXóaTrò Tâm không thuộc bài rồi :D
Hehe, lấy cảm hứng từ bài thơ học toán của ông nội anh cu Gôn, bác Gà với thầy Tâm hợp tác cho ra lò mấy bài thơ mới về cách chơi cờ tướng cho anh em dễ nhớ đi nào! :D
Trả lờiXóaHihihi , Cờ tướng có máy bài " khẩu quyết " rồi mà
Trả lờiXóa