Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

NGỒI BUỒN NÓI CHUYỆN QUAN CÔNG

Không biết từ bao giờ, tôi có thói quen, mỗi khi vào nhà ai , tôi thường đưa mắt quan sát cái bàn thờ. Bàn thờ bố cục ra sao ? Thờ những ai ? Phật hay Chúa. Bàn thờ trình bày có nghiêm trang không. Ngoài Phật/Chúa và gia tiên ra, còn thờ những ai nữa. Kể ra, cái chuyện thờ phượng này cũng lắm nghiêu khê…


Tôi vào nhà một người quen. Phòng khách cũng là nơi thờ phượng ở tận lầu ba. Bàn thờ bài trí khá bề thế. Ngoài bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên còn có bàn thờ Ông. Ông đây là Quan Thánh tức Quan Công, một nhân vật khá nỗi trong Tam quốc chí diễn nghĩa. Người bạn nói : “ Ông linh lắm “ Tôi hỏi, linh lắm là linh làm sao. Chịu, không trả lời được.


Từ lâu, nghe nói ở thủ đô cũng có đền thờ Quan Công, không phải một mà nhiều chỗ. Mình không tin. Thầm nghĩ, tại sao lại thờ Quan Công. . Đọc qua Ngàn Năm Thăng Long – Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc và một số tư liệu khác. À, thì ra điều đó có thật. Bực mình. Thử tìm hiểu: Quan Công, ông là ai ?


Phần đông, nhất là người Việt, biết nhân vật Quan Công qua truyện Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Biết thì biết vậy thôi chứ mấy ai chịu tìm hiểu về nhân vật này. Nếu chịu khó một tí, cũng không vất vả bao nhiêu, ta có thể biết Quan Công chỉ là một võ tướng thường thường bậc trung, không có gì là ghê gớm lắm như mọi người thường nghĩ.và cho rằng ông ta là người văn võ toàn tài. Văn ư ? Chẳng có gì đáng nói, đáng bàn, chẳng có thể so sánh với ai cả, nói chi đến tầm Ngọa Long, Phụng Sồ. Võ ư ? Thì đó, có sự hợp sức của Lưu, Trương mà cũng không thắng nỗi Lã Bố. Tướng lĩnh gì mà giao giữ Kinh Châu thì mất Kinh Châu, giao trấn Hạ Bì thì thất thủ Hạ Bì. Làm tướng mà không tuân lệnh cấp trên “ Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền “ theo sách lược của Khổng Minh. Ăn nói thiếu suy nghĩ ( theo cách nói ngày nay gọi là thiếu văn hóa ), Khi Tôn Quyền ngỏ lời cầu hôn cho con trai, không nhận lời thiếu gì cách từ chối, lại dùng lời nhục mạ, dẫn đến hệ lụy diệt vong!


Người ta nói, Quan Ngài không tham. Tào Tháo cho bao nhiêu vàng bạc, châu báu cũng không nhận. Nghĩ vậy là lầm. Những thứ ấy ông ta có thừa. Phải gãi cho đúng chỗ ngứa xem sao. Khi Tào Tháo tặng con ngựa Xích thố thì ông ta mừng quýnh, lật đật quỳ xuống lạy tạ ơn. Lạy kẻ thù. Nhục chưa ? Nếu là người có khí phách ắt phải hiểu câu “ Sĩ khả sát bất khả nhục “. Sợ chết phải lụy Tào. Thế thì chữ Trung để ở đâu ?Nên nhớ rằng, theo quan niệm xưa : Trung thần bất sự nhị quân ( Tôi trung không thờ hai chúa ) Đằng này, tham sinh úy tử, phải quỳ lụy, cúc cung phục vụ cho Tào, không đáng chê trách sao ? Thử so sánh một chút với tướng Việt. Khi bị giặc bắt, dụ dỗ, nếu hàng sẽ được phong vương tước, Trần Bình Trọng đã có câu trả lời như chữi vào mặt kẻ thù : TA THÀ LÀM QUỶ NƯỚC NAM CHỨ KHÔNG THÈM LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC.. Một câu nói bộc lộ khí phách anh hùng, lưu danh ngàn thuở. Đây . Chính đây mới là người đáng cho dân Việt chúng ta kính thờ.


Trở lại với Quan Công,. một con người kiêu căng, tự phụ. Tính khí nhỏ nhen, ganh tỵ với kẻ có tài. Ta thử đọc đoạn này :
Các nhà sử học nhất trí đánh giá Quan Vũ là người vũ dũng nhưng kiêu ngạo, không chịu ở dưới người khác. Năm 214, nghe tin Mã Siêu đến hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Quan Vũ đang ở Kinh châu bèn viết thư cho Gia Cát Lượng hỏi:
Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể so sánh với ai?
Gia Cát Lượng phải lựa lời viết thư lấy lòng Quan Vũ:
Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài!
Ông đọc thư rất đắc ý và mang thư khoe với nhiều người
Năm 219, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương, phong ông làm Tiền tướng quân và lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân Quan Vũ thấy mình ở ngang hàng với Hoàng Trung, không bằng lòng, không chịu nhận ấn tín. Phí Vĩ phải lựa lời khuyên ông nên vì nghiệp lớn của Lưu Bị, ông mới tỉnh ngộ và thụ phong. (Nguồn : Wikipedia ) Như vậy chẳng phải là háo danh, nhỏ nhen, đố kỵ là gì ? Sao không bắt chước Bá Di, Thúc Tề thà nhịn đói mà chết chứ không thèm ăn rau của nhà Chu. Đàng này, ăn cơm của Tào, hưởng lộc của Tào rồi giết người nhà của Tào mà gọi là nhân nghĩa ư ? Lại còn được xưng tụng : Quá ngũ quan trảm luc tướng ! Làm tướng mà không tuân quân pháp, coi ơn riêng lớn hơn việc công, thả Tào ở Huê Dung đạo gây bao hệ lụy , như vậy nên thưởng hay nên phạt ? Một con người mà nhân cách tầm thường như vậy có đáng cho ta kính phục hay không ?
Tóm lại, ta cần phải biết rằng, Quan Công là một nhân vật trong dã sử tiều thuyết, có nhiều tình tiết hư cấu. Được thần thánh hóa ở mức độ cao nhằm phục vụ ý đồ chính trị qua từng giai đoạn của các triều đại Trung quốc xưa. Và điều tôi muốn nói với các bạn là : Đã đến lúc ta nên tống tiễn ông ta ( Quan Công ) trở về nguyên quán của ông ấy. Các bạn nghĩ sao ? Ai thấy có lý, đồng ý, nhất trí thi giơ tay lên. À, mà đừng sợ mếch lòng mấy anh Hán[g] –xồm nham hiểm đó nghen. ( Mấy anh này, theo cách gọi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là cái bọn : Chân đi hài Hán, tay bán bánh Đường, miệng hát líu lường, ngây Ngô ngấy ngố ).
                                                         Dran, tháng sáu-2011
                                                         LamNguyen
__________________

1 nhận xét:

  1. Bài viết của cu ông lamnguyen trên Facebook của cụ, con cụ ý post lên diễn đan thanglongkydao.com và mọi người bàn luận rôm rả :
    http://www.thanglongkydao.com/quan-coc-via-he/8192-ngoi-buon-noi-chuyen-quan-cong.html

    Trả lờiXóa